3

Bác Ba Phi :Chiếc tàu không động cơ


Mùa khô năm đó, túng tiền xài, tui mới nghĩ ra một cách bắt rùa để chở ra chợ Sông Đốc bán. Ra dượng tư nó, tôi mượn một chiếc ghe cà vom chở chừng năm trăm giạ lúa, chống vô Lung Tràm đậu cặp mé phía dưới gió, cặm sào banh hai đầu cho thật chắc. Tui còn kéo tấm đòn dày bắc thẳng lên bờ. Làm xong, tui đi vòng phía trên gió, nổi lửa đốt một hàng dài... Mùa khô ở đây, cỏ ủ lên tới lưng quần dễ làm mồi cho lửa lắm.

Lửa bắt đầu bốc ngọn, tui lội trở về chổ đậu ghe ngồi chờ. Độ chừng hút tàn điếu thuốc, tôi đã thấy rùa bắt đầu bò xuống lai rai. Lửa phía trên gió bắt đầu vào sậy, cháy, nổ rốp rốp. Rùa bò xuống mỗi lúc một nhiều. Chúng xếp hàng một, nối đuôi nhau bò tới. Con nào cũng nghểnh cổ lên cao, mắt ngó chừng dáo dác. Một lúc, gió thổi mạnh lên, lửa cháy nà nà xuống, tốp sau hoảng hồn kéo chạy đùng đống, không còn trật tự gì nữa. Rùa vàng, rùa nắp, rùa quạ, rùa hôi, rùa dém... dồn tới từng bầy kéo xuống ghe. Giống rùa là chúa sợ lửa, chúng chạy bằng ba chân, còn một chân trước đưa lên che mặt. Con nào cũng chảy nước mắt, nước mũi choàm ngoàm.

Thấy chúng tràn xuống quá sá, tui ngồi gần đầu cây đòn dày, coi con nào lớn thì cho đi, con nào nhỏ thì cứ bạt tay một cái là lọt xuống sông. Một hồi, rùa xuống đầy ghe. Tui nhổ sào, rút đòn dày, dông luôn ra chợ. Nhưng khổ nỗi số rùa nhỏ bị rớt xuống nước cứ bấu theo be ghe kết thành bè, một tay chúng vịn vào be ghe, còn ba chân cứ đạp nước, theo trớn ghe đi tới. Chiếc ghe bị rùa đẩy chạy tới ào ào. Tui thấy vậy, cười khà, ngồi phía sau kềm lái, mở gói thuốc ra hút phì phèo.

Ra gần tới chợ Sông Đốc, tui bỗng nghe mấy người đàn bà bên kia sông la chói lói:

- Xuồng chở lúa, khẳm lắm. Tàu làm ơn tốp máy lại chút nghen!

Thật hết phương khả đảo, chỉ còn ngồi lắc đầu chịu chết. Tui khoát tay:

- Mấy bà con cảm phiền ép xuồng sát vào bờ giùm chút đi! Tui tốp máy không được. Chiếc tàu rùa...

1

Thế giới thơ lục bát biến thể của Bùi Giáng




Có thể nói, Bùi Giáng là thi sĩ tinh quái nhất của nền thơ ca Việt Nam từ cổ chí kim. Còn đối với sự nghiệp sáng tác của Bùi Giáng thì thể thơ Lục bát luôn được ông coi là bảo bối thi ca nước nhà, mà ông là người vừa nâng niu, trân trọng, vừa khổ công nâng tầm để thổi hơi thở mới vào thể thơ cổ điển ngọt ngào này.

Quan hệ giữa Bùi Giáng và Lục bát, có thể được minh chứng qua nhận định rất tài hoa và sâu sắc của nhà thơ Du Tử Lê: “Không phải những tác giả mới, không ném mình vào lục bát. Trái lại. Rất nhiều. Nhưng những tác giả này, không thấy đó làm một thách đố tử, sinh. Đa phần, họ chỉ thấy lục bát như một dòng sông tĩnh tự êm ả, một dải lụa ẩn dụ mềm mại chuỗi hư tự, hư ảnh... rất hư không... mà thôi. Rất ít tác giả, thấy lục bát là ngọn núi sừng sững chẻ đôi trời đất, chẻ đôi nhật, nguyệt, chẻ đôi sáng tối… May mắn thay, sau Nguyễn Du, Bùi Giáng là người cố tâm ở lại với lục bát. Là người rất rõ ràng nhất: Lục bát có thể chẻ đôi trời đất, chẻ đôi sáng tối, chẻ đôi nhật nguyệt. Bùi Giáng điên vì cõi thơ của ông. Trùng trùng lục bát. Vỡ bờ lục bát. Lục bát của ông làm ra đến triệu bài. Và, hàng triệu câu thơ đó, kết thành một “đoạn trường” thi ca, có thể xem như là tác phẩm đáng được lưu truyền thứ hai, sau “Đoạn Trường Tân Thanh”. Đọc thơ Bùi Giáng như thấy được một cuộc lưu vong đang rầm rộ trở về trong tiết tấu sa mù đầy ngẫu hứng. Những câu thơ linh hoạt dị thường. Liều lĩnh. Vượt xa trong thời gian vô tận”

Những cái hay, cái đẹp, cái tinh, cái quái trong Lục bát Bùi Giáng đã được nhiều người bàn đến. Nay, tôi xin được đề cập đến một mảng Lục bát không kém phần quan trọng trong thơ Trung Niên Thi Sĩ, đó là: Lục bát biến thể.


Công bình mà nói, trong thơ hiện đại, Lục bát không chỉ biến thể ở Bùi Giáng mà ở rất nhiều nhà thơ, đặc biệt là các nhà thơ trẻ đương đại làm Lục bát. Tuy nhiên, sự biến thể hoặc phá thể của họ chỉ là thi thoảng, mà sự thi thoảng đó cũng chỉ là những biến thể không quá xa với câu Lục bát truyền thống (ví dụ như cách ngắt dòng để thay đổi nhịp thơ hoặc mở rộng số chữ trong câu,…). Còn với Bùi Giáng, Lục bát biến thể được ông tuôn ra một cách tự nhiên giống như khi ông làm Lục bát nguyên thể, gắn liền với biến động bão giông trong lòng ông và có một tần suất lặp đi lặp lại rất cao. Cơ hồ như, ngay lúc ấy, chính lúc ấy, chỉ có cách biến thể ấy mới nói hết

1. Biến thể bằng cách mở rộng số chữ trong câu

Thông thường, sự mở rộng số chữ trong câu ta thường thấy các tác giả mở rộng câu Bát. 
Ví như: 
Thương nhau mấy núi cũng trèo
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua 
(Ca dao),

 Khúc ca sâu nặng nghĩa tình.
 Nốt ơn cha nốt nghĩa mẹ nốt ru mình ngân nga 
(Mai Bá Ấn)… 

Còn sự mở rộng số chữ của Bùi Giáng thì lại rất đa dạng và phong phú.
a) Mở rộng câu Bát
Cũng như ca dao và cách biến thể Lục bát của các tác giả khác, Bùi Giáng đã mở rộng câu Bát:
- Chúng ta có thể hiểu chim
Nhưng làm sao chim hiểu được máu tim con người 
(Chuyện chim)

- Cuối cùng kết thúc tiêu tao
Thái Bình Dương chiến trận dạt dào đạn bom 
(Không đề)

- Em ôi! Buồn tủi chất chồng
Đẻ đau mang năng nặng phiêu bồng làm sao! 
(Ông là ai)


Ở đây, lẽ thường, dù muốn mở rộng bao nhiêu số chữ trong câu Bát thì cuối cùng cái chữ dùng để gieo vần với chữ cuối câu Lục vẫn cứ phải là chữ đứng thứ ba tính từ chữ cuối câu Bát ngược trở lại (các chữ tô đậm ở trên). Nghĩa là, chỉ mở rộng số chữ đứng trước chữ thứ 6 của câu Bát nguyên thể. Bùi Giáng không dừng lại ở đó, ông lại còn mở rộng cả phía sau chữ thứ 6 của câu Bát nguyên thể, cho gieo vần ở chữ thứ tư tính ngược từ chữ cuối câu Bát :


Tặng tôi vần điệu phiêu bồng
Về sau tôi sẽ yêu ông hơn bây giờ 
(Lời thôn nữ Thanh Châu).


Vì sao? Em biết lâm ly
Anh từng đã trải - mà không một lời gì nên nói ra (Vô tận)…


Có khi lại đẩy chữ gieo vần của câu Bát về tận vị trí thứ 5 và thứ 6 tính từ chữ cuối câu:
Rồi về sau đứt ruột chín chiều
Người ta tự tử- một liều thuốc độc quyên sinh
Sau rồi anh sống một mình
Buồn rầu quá độ anh quyên sinh cũng cô độc một mình (Trần gian)…


Điều đáng nói ở đây là, nếu ta giả dụ xin phép Bùi Tiên sinh cắt bớt các chữ mở rộng để trả về Lục bát nguyên thể thì nhất định Bùi sẽ không chấp nhận và cả với chúng ta, ta vẫn thấy, câu Lục bát ít hay hơn và đánh mất hoàn toàn chất thơ Bùi Giáng. 
Ví dụ: 
Vì sao em biết lâm ly.
Anh từng trải không lời gì nói ra 
hoặc: 
Sau rồi anh sống một mình.
Buồn rầu quá độ anh quyên sinh một mình … 

Bùi Giáng còn mở rộng câu Bát thành hai câu Ngũ, mà cụ thể theo số câu là: Lục-Ngũ-Ngũ-Lục-Bát. Khi hóa thân thành “thôn nữ bờ mương”, Bùi Giáng thường có lối đối thoại Lục bát tự nhiên, gần gũi với ca dao như thế:


Tình yêu đã lỗi muôn vàn
(Em)? Thiên hương kiều diễm
(Anh)?- điếm đàng Sở Khanh!
Bài thơ hiện tại thất thanh
Gào kêu em giúp giùm anh qua đò 
(Thôn nữ nương dâu)…


b) Mở rộng câu Lục: Trong Lục bát biến thể Bùi Giáng, ta có thể thấy nhiều dạng mở rộng này:
- Mở rộng câu Lục thành Thất
Thiên hương gồng gánh tuyệt vời
Chăm lo cho cái quên đời bỏ đi
Đời tài hoa? Quốc sắc lâm ly
Đời thục nữ cũng một nghi vấn nào (Chuyện mất hút)…


Ở đây, cũng cần thấy thêm, thanh của câu Bát cuối khổ thơ: Đời thục nữ cũng một nghi vấn nào cũng được Bùi Giáng biến thể không giống với cái kiểu Bằng - Trắc thông thường, mà việc đó cũng không làm tổn hại đến vần của Lục bát truyền thống, chỉ thấy nó lạ vì cái kiểu “nói thơ” rất Bùi Giáng này.
- Mở rộng câu Lục thành Bát
Em từ tuyệt thể bơ vơ
Tấm thân liệu những từ giờ liệu đi
Các anh? Thanh Hiên Liệp Hộ nói gì?... (Em đi)
Quan trọng hơn, nếu ta trả lại nguyên thể cho các câu biến thể này thì sẽ trở thành những câu Lục bát rất bình thường, không thể thấy cái chất phong trần, ngông nghênh, nghiêng ngã của Đười Ươi Thi Sĩ.
- Mở rộng câu Lục thành Cửu, Thất
Người hỏi tôi: “Từ đâu ông đến nơi đây?”
- “Thưa cô thôn nữ từ đây tôi về"
- “Ủa phải anh Sáu Giáng đó không?”
- “Và cô có phải cô Bông năm nào?” (Đi về làng xóm).
Cách mở rộng mang hơi thở bình dân này xem ra lại rất phù hợp với lối nói đối đáp, vừa rất ca dao lại vừa hiện đại phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp.


c) Mở rộng cả câu Lục và câu Bát
- Mở rộng Lục bát thành Lục-Cửu-Thất-Cửu-Cửu-Lục-Thất.
Tặng tôi vần điệu phiêu bồng
Về sau tôi sẽ yêu ông hơn bây giờ
Bây giờ thấy mặt ông bơ thờ
Hẹn mai trở lại với bài thơ tưng bừng
Tôi sẽ chào ông với vẻ mặt vui mừng
Nhưng ông già nua quá độ
Mà tôi thì lẫy lừng trẻ măng (Lời thôn nữ Thanh Châu).


Nếu không xuống dòng mà ghép câu 6 và 7 thành 1 câu thì mô hình sẽ là: Lục-Cửu-Thất-Cửu-Cửu-Thập tam để tính đủ 3 cặp Lục bát (6 câu). Nghĩa là trong 7 câu thơ chỉ còn lại nguyên thể có 2 dòng Lục (theo cách tính số chữ theo dòng thơ hiển hiện: dòng 1 và dòng 6- chứ thật ra dòng 6 này là biến thể của câu Bát cuối cùng), câu Bát hoàn toàn biến mất, nhưng đọc lên vẫn biết nó là Lục bát do yếu tố gieo vần quyết định. Đoạn thơ này đọc lên biết ngay là của Bùi Giáng chứ không ai khác. Nó lại mang âm hưởng của ca dao vì Bùi thi sĩ đang hóa thân để nói cho đúng “Lời thôn nữ Thanh Châu”. Độc đáo của biến thể Lục bát Bùi Giáng chính là những yếu tố này.
- Mở rộng Lục bát thành Lục-Bát-Cửu-Lục-Bát
Trăm năm trong cõi người ta
Cái ngày khổ tận ắt là cam lai
Chữ tài liền với chữ lai rai một vần
Em về thánh thể thành thân
Tôi đi tham dự đạp thanh tôi về 
(Ngày mai).


Nếu không là thơ Bùi Giáng, ắt người đọc sẽ cho rằng, thiếu một câu Lục. Nhưng đã là Bùi Giáng thì ai cũng chấp nhận sự biến thể này. Bởi lẽ, một khi muốn bước vào thế giới Lục bát Bùi Giáng, mọi người đọc đều luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế để sẵn sàng tiếp nhận những chiêu thơ quái dị của ông.
- Mở rộng Lục bát thành Lục-Cửu-Thất-Thập-Lục-Thập nhị


Rõ ràng nếu chỉ căn cứ vào mô hình câu như trên (Lục-Cửu-Thất-Thập-Lục-Thập nhị), chẳng ai dám bảo đây là thơ Lục bát. Nhưng khi đọc cụ thể vào thơ, do vẫn giữ rất kỹ yếu tố gieo vần nên ai cũng thấy nó là Lục bát biến thể. Cái tài của Bùi chính là lẽ đó:

Người yêu thục nữ nên thơ
Người ta yêu thật anh không ngờ anh yêu
Rồi về sau đứt ruột chín chiều
Người ta tự tử- một liều thuốc độc quyên sinh
Sau rồi anh sống một mình
Buồn rầu quá độ anh quyên sinh cũng cô độc một mình

(Trần gian)…
- Mở rộng Lục bát thành Cửu-Lục-Thất-Thất-Thập


Năm câu Lục bát dưới đây chỉ còn giữ nguyên có 1 câu Lục (mà câu Lục này thật ra là một nửa của câu Bát biến thể bị ngắt dòng). Nhìn cái mô hình cấu trúc câu bên trên lại càng không thể tin là Lục bát. Vậy mà đọc lên vẫn cứ là Lục bát, mới tài:

Tôi sẽ chào ông với vẻ mặt vui mừng
Nhưng ông già nua quá độ
Mà tôi thì lẫy lừng trẻ măng
Khó nghĩa thay! Cái lẽ thường hằng
Oái oăm vô tận là cái lằng tằng éo le 

(Lời thôn nữ Thanh Châu)…


Lẽ ra, đã là Lục bát phải luôn luôn đi thành một cặp (4 câu). Ở đây, lại là 5 câu vì câu thứ 2 đã được ông “hô biến” thành 2 câu (Lục-Thất).
- Mở rộng Lục bát thành Lục-Thập-Thất-Thập-Lục-Thập nhất

Với một con người “phóng túng hình hài”, phóng túng cả trong tâm hồn lại giàu chữ nghĩa bình dân và chữ nghĩa văn chương như Bùi Giáng, rõ ràng ông đã đẩy Lục bát nguyên thể đi rất xa, nhưng cái hồn Lục bát, hồn ca dao thì vẫn như còn nguyên đấy:

Tuy nhiên em phải biết rằng
Lôi thôi rất mực là cái lăng tằng chiêm bao
Tình yêu không thiết lập lũy hào
Chỉ riêng le lói là cái tư trào tan hoang
Tan từ bốn ngõ ba đường
Tới tan hoang khắp chốn, là cái bồn chồn bẻ bai (Đáp lời thôn nữ)…

- Mở rộng liên tục hai câu Bát Lục liền nhau
Tôi làm thơ để tặng nàng
Để nàng cho phép tôi đàng hoàng thành tiên
Mai sau thiên hạ sẽ kháo với nhau rằng
Thằng Bùi Điên ấy là Tiên Giáng Trần (Nàng tiên trở lại).

Ở đây chỉ có câu Lục đầu và câu Bát cuối là nguyên thể, còn câu Bát đầu đã trở thành Cửu, đặc biệt câu Lục sau cũng lại là Cửu. Cái trạng thái phiêu bồng Tiên và Điên lẫn lộn đã khiến Bùi Giáng tuôn ra một kiểu Lục bát lạ lùng như thế. Mà, khổ là, phải như thế, mới ra Bùi Giáng.


2. Vừa mở rộng số chữ trong câu vừa gieo vần trắc


Nói đến vần trong Lục bát, nhất định phải nghĩ đến vần bằng. Tuy nhiên, thi thoảng trong ca dao và ở một số nhà thơ có ý thức cách tân Lục bát khác vẫn có xuất hiện cách gieo vần trắc, nhưng rất hiếm, và thông thường là gieo ở vần lưng (giữa câu): Đã thương nhau thì thương nhau cho chắc/ Bằng có trục trặt thì trục trặt cho luôn (Ca dao), Hương giang hoa tan bèo hợp/ Mưa rơi lộp độp thủng nón bài thơ (Mai Bá Ấn)… hoặc chèn vào một câu vần trắc bất ngờ: rừng xa nhạc ngựa tái tê/ em mơ đá nở đầy khe hoa vàng/ Vừ Già Pó về Mèo Vạc/ lang thang cuối đất cùng trời/ quê mình cứ vẫn thế thôi quê mình (Thanh Thảo)… Còn với Bùi Giáng, ông sử dụng “loạn đả” vần trắc trong Lục bát:
- Lục-Bát-Thất trắc-Bát trắc-Lục-Bát
Ở đây, Bùi Giáng gieo vần trắc ở cả câu Lục và câu Bát. Điều kỳ diệu là sau cái sự “loạn đả ngông cuồng” ấy, hơi thơ Lục bát vẫn chảy rất tự nhiên:
Đời xiêu đổ lộn đường đi đứng
Nguồn xưa đâu anh lững thững tìm về
Gặp em tưởng gặp tình quê
Nào ngờ cố quận chán chê anh rồi 

(Chuyện Chiêm bao - 24)…
- Lục-Bát- Lục-Bát trắc- Bát-Thất-Bát

Với mô hình biến thể này, ta có cảm giác, Lục bát Bùi Giáng tuôn chảy như dòng thác, mà những câu biến thể như một vài viên đá tảng nhô lên, nhưng cũng không đủ sức làm cho Lục bát lệch dòng:
Em đi lúc gió đang bay
Gió bay em bước cỏ say sưa mừng
Bàn chân trần năm ngón chân
Chân năm ngón như sương đầm lá ướt
Cỏ chào em như phơi mở linh hồn
Em giẫm lên nhẹ nhẹ dịu dàng
Tình yêu xuân thắm nồng nàn xiết bao 
(Đường xuân -14)…


Rõ ràng, Bùi Giáng biến thể, nhưng cái sự biến thể này khiến người đọc cảm thấy hứng thú bởi ông đã thổi vào một làn gió lạ, làm dậy sóng cái vần điệu tĩnh tại bấy lâu như mặt nước hồ thu của Lục bát nguyên thể.
- Lục-Bát-Bát trắc-Lục-Cửu


Kể cả cái câu nói thông thường mang vần trắc ông đưa vào trong ngoặc đơn dưới đây cũng như thế. Lục bát vẫn chảy ngọt ngào dù câu nói chen vào này chả có một chút thơ. Nhưng đọc tổng thể thì nó lại là yếu tố gợi nhất, làm nên bản thể thơ Bùi Giáng:
Nghĩa là ở mãi nơi đây
Làm người dân Việt tháng ngày thong dong
(Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít)
Có nhiều nhậu nhẹt vuông tròn
Có ít nhậu nhẹt cũng tròn vuông như thường 
(Ngày sau ông sẽ)…
Nếu gọi nhà thơ là “phù thủy của ngôn từ” thì đúng Bùi Tiên sinh thuộc bậc “Đại phù thủy”.


3. Những biến thể Lục bát độc đáo


Ngoài những kiểu biến thể như trên, đọc Lục bát Bùi Giáng ta còn nhận ra rất nhiều những cách biến thể độc đáo khác.
- Mở đầu Lục bát bằng hai câu Lục
Phép biến thể này có đặc điểm chung là chữ cuối câu Lục đầu gieo vần với chữ cuối câu Lục sau, rồi sau đó lấy chữ cuối câu Lục sau gieo với chữ 6 câu Bát để trở về Lục bát. Có thể nói, đây là cách biến thể rất riêng của Bùi Giáng, rất khó tìm thấy trong Lục bát Việt Nam, mà nếu có thì cũng nhất định học từ Bùi Giáng mà ra:
Nàng có mặc áo mặc quần
- Đây là rất mực giữa rừng
Chẳng ma nào thấy nàng ngần ngại chi 

(Chuyện chiêm bao - 13)
Trăm năm thương hải tang điền
Phù trầm quán kiến vô duyên
Tòng lai giai mính diện tiền giai nhân (Một nàng tiên)…
- Mở đầu Lục bát bằng câu Bát


Đã là Lục bát tất phải Lục trước Bát sau, vậy mà chàng Trung Niên Thi Sĩ này, dù yêu Lục bát đến tận cùng gan ruột, vẫn cứ nhởn nhơ phá thể, đảo lộn tứ tung để câu Bát vọt cả lên đầu câu Lục:
Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam
Dòng khe mất bóng đá vàng
Dòng sông trôi xuống Hội An, Kim Bồng 

(Tôi thấy tôi về)
Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam
Rong chơi Đại Lộc, Điện Bàn
Duy Xuyên, Tiên Phước, Hòa Vang, Thăng Bình 
(Về Quảng Nam)…
Và tôi nhớ, hình như ông có hẳn một bài thơ Bát lục, tôi đã có đọc qua, rất ấn tượng, nhưng giờ chưa lục lại được trong toàn bộ thơ Bùi Giáng mà tôi đang hiện có!
- Mở rộng Lục bát thành Thập-Thập tứ


Nói Thập-Thập tứ là dưới con mắt của nhà nghiên cứu lấy yếu tố gieo vần của thơ Lục bát làm nền. Còn theo số chữ trong câu thì lại là: Tứ - Lục/ Tứ - Bát. Nghĩa là, đưa thêm vào trước câu Lục và trước câu Bát, một câu Tứ:
Chiều hôm phố thị
Em ngồi đếm lá bay chơi
Đèn khuya phố thị
Sao xưa sáng ở trên đồi cây rung
Những lời cũ kỹ
Một trời thu để nhớ nhung
Chuyện đời giản dị
Chiêm bao tay nắm vô cùng ngón tay 
(Chiều hôm phố thị).


Nếu bỏ hết 4 câu Tứ thêm vào này thì sẽ trở về 4 câu Lục bát nguyên thể: Em ngồi đếm lá bay chơi/ Sao xưa sáng ở trên đồi cây rung/ Một trời thu để nhớ nhung/ Chiêm bao tay nắm vô cùng ngón tay. Mà nếu như vậy thì bài thơ sẽ không còn hay, không còn là thơ Bùi Giáng và cũng không còn cái đầu đề bài thơ là Chiều hôm phố thị. Nếu quan niệm đề bài thơ là hồn của bài thơ thì, cái Chiều hôm phố thị (cái biến thể) là yếu tố chính (hồn) của bài thơ chứ không phải là những câu Lục bát nguyên thể trong bài.
- Gieo vần chữ 7 của câu Bát


Đây lại là hiện tượng khá độc đáo dường như chỉ có riêng ở Lục bát Bùi Giáng. Ông đã tự làm lệch đi quy tắc gieo vần của Lục bát truyền thống. Nhưng dường như để người đọc không cảm thấy “gặp chướng ngại vật”, ông thường sử dụng “từ láy hai” (mông lung, long lanh) để gieo vần cho câu Bát:
Của em - hồn mộng song trùng
Khép tình cửa hẹp, mở mông lung trời (Một nàng tiên)
Ai về thu trước mỏng manh
Để vần thơ lại nhuộm long lanh chiều (Lối cỏ trường xưa)…
Hoặc chí ít cũng là một từ ghép bền vững như trường hợp “âm thanh”, “sông Hương” dưới đây:
Nửa đời bê bối thân anh
Một miền đi khuất trong âm thanh nào 
(Thiếu phụ trở về)
Ngày xưa xanh ngút mái trường
Cỏ xanh bờ trúc bến sông Hương chào (Lối cỏ trường xưa)…


4. Bùi Giáng và Chủ nghĩa Hậu hiện đại qua Lục bát biến thể


Về vai trò của Bùi Giáng đối với Chủ nghĩa hậu hiện Việt Nam, Đỗ Lai Thúy cho rằng chính Bùi Giáng là người đi đầu, người “mở cửa”: “Bùi Giáng đã vượt qua chủ nghĩa hiện đại, mở một cánh cửa vào hậu hiện đại, để hôm nay, càng lúc càng đông nhà thơ trẻ, với những kích thước tài năng và tầm vóc tư tưởng khác nhau, chen chân qua khung cửa hẹp ấy. Nếu trước đây, Nguyễn Du mở ra thời kỳ trung đại cổ điển trong văn học Việt Nam, nâng nó lên ngang tầm khu vực Đông Á, còn Tản Đà vào những thập niên đầu thế kỷ XX đã mở đầu cho thời hiện đại, đưa văn học Việt Nam vào quỹ đạo thế giới, tuy có sự lệch thời gian, thì Bùi Giáng ở những mười năm cuối của cùng thế kỷ ấy đã đi đầu trong việc mở ra một thời đại mới cho văn học Việt Nam, văn học hậu hiện đại” (Nhà thơ của các nhà thơ, Bichkhe.org). Ở đây, tôi chỉ xin nêu một vài yếu tố Hậu hiện đại qua Lục bát biến thể của Bùi Giáng.
- Lối viết tự động


Có thể nói, Bùi Giáng là một hồn thơ lai láng đất trời. Thơ ông tuôn ra như mưa nguồn, thác đổ. Chính vì lẽ đó, lối thơ tự động thể hiện rất rõ trong toàn bộ thi phẩm Bùi Giáng. Với Lục bát biến thể, dường như ông không còn nghĩ đến yếu tố vần (một đặc trưng sinh tử của Lục bát). Ở đó, có nhiều bài, nhiều đoạn thành công:
Em đi chồng chất oán hờn
Tưởng như triều biển đang lồng lộn dâng (Chuyện chiêm bao - 19)
Giai nhân số dzách một cây
Mất trinh mà vẫn cứ ngây thơ cười
Rằng: “trinh” chữ ấy đâm chồi
Chết từ cái mất mà ra cái còn (Số dzách một cây)…


Nhưng cũng có nhiều bài, nhiều đoạn, do không được kiểm soát nên tuôn ra quá tự nhiên, thiếu trau chuốt ngôn từ, đặc biệt với Lục bát là thiếu sự kiểm soát về vần. Cứ theo bản năng thơ, Bùi Bàng Dúi tự do phá thể Lục bát kéo theo sự lạc vần (một điều tối kỵ của Lục bát truyền thống):
Nói ra thiên hạ người ta
Sẽ hồ đồ nghi hoặc - tự hỏi rằng thế thôi (Vô tận)
Tuy nhiên nỗi ấy còn tùy
Cũng còn nỗi khác tự tim mình tuôn ra (Ngày mai)…


Cũng chính từ lối thơ tự động ấy mà khi biến thể Lục bát, Bùi Giáng đã để vần gieo trùng chữ nhau. Ở đó, cũng có nhiều câu trùng vần nhưng rất tự nhiên, rất Bùi Giáng:
Thở than rằng giấc mộng đầu
Lầm than như mối tình đầu dở dang
Ồ em Gái Núi dịu dàng
Ngập ngừng em hỏi dở dang là gì (Ngập ngừng - 3)
Ngắm người lại ngó đến ta
Người là người lạ ta là ta quên
Quên người ta biết ta quên
Nhớ người khuôn mặt mà quên tên người (Quên Quên Quên)…


Nhưng cũng có những lúc do thiếu kiểm soát khiến sự lặp vần làm nghẽn dòng chảy tự nhiên của Lục bát xưa nay:
Cười như quỷ khóc như ma
Cụ Hồ bảo cứ để cho nó quỷ ma tha hồ (Quả nhiên như thế)
Làm sao nghe được lời chào
Chỉ còn vô tận chắp tay chào vu vơ (Ngày mai)…
Đây cũng là nhược điểm thường thấy trong lối Thơ Tự động nói chung.
- Đưa ra hai phương án cho người đọc tự chọn


Nếu quan niệm, người đọc là một đồng sáng tạo tác phẩm cùng với tác giả, thì Bùi Giáng là nhà thơ đã biết phát huy sớm quan niệm này trong quá trình sáng tác của mình. Thể hiện rõ nhất là, với tài năng và vốn chữ của mình, ông thường đưa ra cả hai phương án để người đọc thích cách đọc nào thì đọc, tham gia cấu trúc lại tác phẩm theo cách ấy. Ta thử xét đoạn Lục bát biến thể sau:


Nghĩ rằng tội lỗi tại gương
Đập tan nát tấm gương tròn trớ trêu
Về sau chẳng dám bòng đèo (đèo bòng)
Soi làm chi nữa cho lòng rối tung
(Soi làm chi nữa cho hút heo nỗi lòng)- (Người đẹp soi gương)
Cách đọc 1:
Nghĩ rằng tội lỗi tại gương
Đập tan nát tấm gương tròn trớ trêu
Về sau chẳng dám bòng đèo
Soi làm chi nữa cho hút heo nỗi lòng.
Cách đọc 2:
Nghĩ rằng tội lỗi tại gương
Đập tan nát tấm gương tròn trớ trêu
Về sau chẳng dám đèo bòng
Soi làm chi nữa cho lòng rối tung
Với khổ Lục bát biến thể sau đây:
Cây tươi lá thắm thật thà
Cây tươi tốt lá ngọc ngà trái cây
(Cây thăm thẳm lá cây già cây non)
(Cây còn thì lá cũng còn)
Cô nương rất mực vuông tròn
Còn tròn vuông cả hơn tròn trái cây (Vàng)
thì người đọc nào ưa Lục bát nguyên thể, lối gieo vần chỉn chu thì đọc (cấu trúc lại) là:
Cây tươi lá thắm thật thà
Cây thăm thẳm lá cây già cây non
Cô nương rất mực vuông tròn
Còn tròn vuông cả hơn tròn trái cây
Còn người đọc nào thích gieo chệch vần theo lối tự động thì đọc (cấu trúc lại) là:
Cây tươi lá thắm thật thà
Cây tươi tốt lá ngọc ngà trái cây
Cây còn thì lá cũng còn
Còn tròn vuông cả hơn tròn trái cây…


Tóm lại, lạc vào thế giới (rừng thơ) Lục bát biến thể Bùi Giáng ta lại càng phát “kinh” về sự rậm rạp các loại cây, chằng chịt những loài dây leo tinh quái của thơ ông. Có thể nói: Nếu Lục bát Bùi Giáng là một biển thơ thì Lục bát biến thể Bùi Giáng là những khe, lạch, con suối, dòng sông đa dạng đa hình. Trong thế giới Lục bát biến thể ấy nhất định sẽ có những khúc đục (nhược điểm), khúc trong (ưu điểm). Nhưng cả đục và trong ấy, thảy cũng đều góp phần làm nên một phong cách Bùi Giáng không thể lẫn lộn cùng ai.




Nguồn HNVVN

0

Vương Nguyệt Ánh

Vương Nguyệt Ánh, sinh năm 1995, hiện là sinh viên năm hai, khoa Tiếng Anh, Đại học Bách Khoa, Hà Nội. Trường đại học danh tiếng luôn rất hiếm nữ sinh nên Nguyệt Ánh với ngoại hình dễ nhìn luôn dễ gây ấn tượng với bạn bè, nam sinh viên trong trường.




1

Tai nạn kinh hoàng - Graham Greene



Jerome bị gọi vào phòng giáo viên chủ nhiệm vào thời gian nghỉ giữa giờ học thứ hai và thứ ba trong buổi sáng thứ năm.

Jerome không sợ sẽ gặp rắc rối bởi cậu là người đứng đầu lớp, là một cái tên mà giám đốc và hiệu trưởng của ngôi trường tiểu học có học phí rất cao này thường đưa ra để làm gương cho những cậu bé lớp dưới (một lớp trưởng tiêu biểu mà khi rời trường sẽ trở nên thành viên của những trường cao giá cỡ như Marlborough và Rugby).

Thầy chủ nhiệm Wordsworth ngồi phía sau bàn với dáng vẻ lúng túng và e sợ. Khi bước vào, Jerome có cảm giác kỳ quặc rằng cậu là nguyên nhân của sự sợ hãi ấy.

- Ngồi xuống đi Jerome - ông Wordsworth nói - Môn lượng giác học ổn cả chứ?

- Thưa thầy, vâng.

- Tôi vừa nhận được một cú điện thoại, Jerome. Cô của em gọi. Tôi sợ rằng phải báo tin xấu cho em.

- Thưa thầy…?

- Cha của em gặp tai nạn.

- Ồ…

Ông Wordsworth nhìn cậu, hơi ngạc nhiên:

- Một tai nạn nghiêm trọng.

- Chuyện gì vậy, thưa thầy?

Jerome tôn thờ cha. Đúng là như vậy. Như con người lặp lại hành động của Chúa Trời, Jerome lặp lại cha cậu - từ một tác giả góa vợ rất năng động cho đến một nhà du hành bí ẩn từng đi đến nhiều nơi xa xôi: Nice, Beirut, Majorca, thậm chí cả quần đảo Canary ở tây bắc châu Phi. Vào thời điểm sinh nhật lên tám, Jerome bắt đầu tin rằng cha cậu hoặc buôn lậu súng hoặc là nhân viên của Sở Gián điệp Anh. Bây giờ thì xảy ra việc cha cậu sẽ có thể bị thương vì một tràng đạn súng máy!

Ông Wordsworth vân vê cây thước trên bàn, dường như không biết phải tiếp tục bằng cách nào. Ông nói:

- Em có biết cha em đang ở Naples?

- Thưa thầy, vâng.

- Cô của em nghe được tin từ bệnh viện hôm nay.

- Ồ…

Ông Wordsworth nói với sự tuyệt vọng:

- Đó là một tai nạn giao thông.

- Vâng, thưa thầy? - Với Jerome, dường như người ta hoàn toàn có thể gọi đó là một tai nạn giao thông. Đương nhiên là cảnh sát sẽ bắn trước, cha cậu sẽ không giết người trừ phi đó là phương sách cuối cùng.

- Tôi sợ rằng cha em thật sự bị thương rất nặng.

- Ồ…

- Jerome, thật ra ông ấy đã chết ngày hôm qua. Hoàn toàn không đau đớn.

- Có phải họ đã bắn vào ngực cha em?

- Xin lỗi, em nói gì, Jerome?

- Có phải họ đã bắn vào ngực ông?

- Không ai bắn ông cả, Jerome. Một con heo rơi trúng ông!

Một sự rối loạn không thể giải thích được lấn áp toàn bộ nghị lực trên khuôn mặt ông Wordsworth. Trong một khoảnh khắc, trông ông gần như sắp bật cười. Ông nhắm mắt lại, kiềm chế bản thân và nói thật nhanh như thể hết sức cần thiết phải tống câu chuyện ra càng nhanh càng tốt:

- Cha em đang đi bộ dọc theo một con phố ở Naples thì một con heo rơi trúng ông. Một tai nạn khủng khiếp. Hình như ở những khu phố nghèo ở Naples, người ta nuôi heo trên ban công. Con heo này ở tầng thứ năm, nó đã được nuôi vỗ quá béo. Ban công bị sụp. Con heo rơi trúng cha em.

Ông Wordsworth mau lẹ rời bàn giấy và đi về phía cửa sổ, quay lưng lại phía Jerome. Ông hơi run vì xúc động.

Jerome hỏi:

- Con heo có sao không ạ?





Về phía Jerome, đó không phải là sự nhẫn tâm, như lời ông Wordsworth đã giải thích với các đồng nghiệp của ông (ông thậm chí tranh cãi với họ, liệu rằng có thể Jerome lúc ấy đã bị đóng khung vào vai trò một lớp trưởng). Jerome chỉ cố gắng hình dung ra cái cảnh tượng kỳ lạ ấy để có những chi tiết xác thực. Jerome cũng chẳng phải là một cậu trai ưa khóc lóc, đó là một học sinh hay suy tư nghiền ngẫm và một tình cảnh khôi hài như cái chết của cha cậu chưa bao giờ xảy ra trong ngôi trường tiểu học này.

Đó cũng là một phần trong sự bí mật của cuộc đời. Và sau đó, trong học kỳ thứ nhất của trường trung học công lập, khi cậu kể câu chuyện này cho người bạn thân nhất, cậu mới bắt đầu nhận ra rằng nó đã tác động đến người khác ra sao. Và đương nhiên, sau sự giãi bày tâm sự này, cậu được gọi một cách khá vô lý là “Heo”.

Không may là bà cô của cậu lại không có tính hài hước chút nào. Có một tấm ảnh chụp vội của cha cậu được phóng lớn đặt trên chiếc đàn dương cầm - một người đàn ông to lớn, buồn bã mặc một bộ quần áo màu sậm không phù hợp, chụp ở Capri, che dù (để tránh cho ông khỏi bị say nắng) với những tảng đá faraglion làm nền phía sau.

Vào tuổi 16, Jerome mới nhận thức rõ là tấm ảnh chân dung ấy trông giống tác giả của các cuốn sách Ánh nắng và bóng mát và Ngao du trong Balearics hơn là một nhân viên mật vụ. Cùng lúc với việc yêu quí những kỷ niệm về người cha của mình, cậu còn sở hữu một cuốn album đầy những tấm bưu ảnh (những con tem đã bị gỡ đi từ lâu cho một bộ sưu tập khác của cậu), và nó làm cậu đau đớn khi bà cô thuật lại cho người lạ nghe câu chuyện về cái chết của cha cậu.

“Một tai nạn kinh hoàng”, bà sẽ bắt đầu như vậy, và người lạ ấy sẽ thêm thắt những cảm nhận của riêng họ vào nội dung thực tế nhằm bày tỏ sự xót thương hay thú vị. Cả ai phản ứng ấy đương nhiên đều sai, nhưng thật là kinh khủng với Jerome khi thấy bài thuyết trình tràng giang đại hải ấy của bà cô thình lình ngắt ngang, sự quan tâm trở nên xác thực: “Tôi không hiểu sao một chuyện như thế có thể được cho phép trong một đất nước văn minh”.

Bà cô sẽ nói: “Tôi cho rằng có thể xem nước Ý là một nước văn minh. Người ta được chuẩn bị cho mọi thứ ngoài trời. Đương nhiên anh tôi là một dân du lịch ngoại hạng. Anh ấy luôn mang theo một bình nước lọc. Bạn biết đó, như thế rẻ hơn nhiều so với việc mua các chai nước khoáng. Anh tôi luôn nói cái bình lọc nước của anh đã trả tiền rượu cho bữa ăn tối. Bạn thấy đó, anh ấy cẩn thận biết bao, nhưng ai mà có thể nghĩ rằng khi anh ấy đi bộ dọc theo phố Via Dottore Manuelle Panucci để đến Bảo tàng Thủy văn học, một con heo có thể rơi trúng anh?”. Đó là lúc mà sự hứng thú trở nên vô cùng chân thực.

Cha của Jerome vốn không phải là một nhà văn xuất sắc, nhưng dường như cái thời thường tới sau cái chết của nhà văn, khi có một người nào đó nghĩ rằng ông thật xứng đáng và viết một lá thư cho phụ trang Thời Báo Văn Học để thông báo về việc chuẩn bị viết tiểu sử ông và yêu cầu bạn bè của người quá cố, ai có thư từ, tư liệu hoặc giai thoại gì hãy gửi về. Và hầu hết các tiểu sử, tất nhiên chẳng bao giờ được in ra.

Còn Jerome, giờ đã là một nhân viên kế toán được đào tạo bài bản, sống xa cách thế giới văn chương. Anh không nhận ra mối đe dọa ấy thật sự nhỏ bé biết bao, hoặc giả sự thiếu tên tuổi của cha anh đã qua rất lâu. Đôi khi, anh nhẩm lại cách thức kể lại chi tiết về cái chết của cha để giảm đến tối đa yếu tố hài hước. Sẽ không có tác dụng gì khi chối bỏ các thông tin, bởi trong trường hợp này người tìm hiểu tiểu sử chắc chắn sẽ đến gặp cô của anh, một người sống rất thọ và không hề có dấu hiệu gì là sẽ suy yếu đi.

Dường như đối với Jerome, có hai phương án khả thi - thứ nhất là cách từ từ dẫn đến tai nạn, để theo thời gian nó sẽ được diễn tả với một người nghe đã được chuẩn bị kỹ rằng cái chết của cha anh thật ra không có cao trào gì cả. Nguy cơ chủ yếu gây cười trong một câu chuyện kiểu như vậy luôn luôn đột ngột. Khi anh nhẩm lại phương án này, Jerome bắt đầu chán ngán.

“Bạn có biết Naples và những tòa nhà chung cư này không? Có người nói với tôi rằng cư dân Naples luôn cảm thấy thân thuộc khi sống ở New York, cũng như một người ở Turin cảm thấy London giống như nhà mình bởi vì ở hai thành phố này sông chảy theo cùng một kiểu như nhau. Tôi ở đâu ư? Ồ! Đương nhiên là Naples. Bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên, không biết họ chứa những gì trên những cái bancông của những căn nhà chọc trời tại các khu phố nghèo này. Bạn biết đấy, những thứ như thú nuôi, gà và thậm chí cả heo nữa không hề tắm rửa hoặc nghỉ ngơi gì cả. Đương nhiên những con heo chẳng được đi lại gì cả và mau chóng trở nên mập ú”.

Lúc này anh có thể tưởng tượng được đôi mắt của những thính giả của anh mờ đi ra sao. “Tôi chẳng có ý kiến gì, bạn nghĩ sao về chuyện một con heo nặng tới bao nhiêu? Nhưng những tòa nhà cũ kỹ này đã quá cần phải sửa chữa. Một cái bancông trên tầng năm đã sụp xuống dưới sức nặng của một trong những con heo ấy. Trên đường rơi xuống nó đã đập vào bancông của tầng ba và nảy lên trước khi rớt xuống mặt đường. Cha tôi đang đi đến Viện bảo tàng Thủy văn học thì bị con heo rơi trúng. Với độ cao và góc rơi ấy, ông bị gãy cổ”. Đó quả là một nỗ lực bậc thầy để làm cho một đề tài hấp dẫn như vậy trở nên buồn chán.

Phương án còn lại của Jerome có ưu điểm là ngắn gọn.

- Cha tôi qua đời bởi một con heo.

- Thật không? Ở Ấn Độ à?

- Không, ở Ý.

- Lạ nhỉ, tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra rằng ở Ý có chuyện đi săn heo rừng. Cha của anh chắc là thích chơi polo lắm?

***

Thời gian trôi đi, chẳng quá sớm cũng chẳng quá muộn, dù vậy với khả năng của một nhân viên kế toán được đào tạo bài bản, Jerome đã học được môn thống kê và tính toán đã đến lúc anh đính hôn và cưới vợ: một cô gái 25 tuổi, khuôn mặt tươi tắn dễ thương, có cha là một bác sĩ ở Pinner. Tên cô là Sally, tác giả được cô ưa thích vẫn là Hugh Walpole, và suốt từ lúc lên năm tuổi khi được tặng một con búp bê biết nhắm mắt và khóc cho đến bây giờ cô luôn yêu thích các em bé. Quan hệ giữa họ không nồng cháy lắm nhưng êm đẹp, bởi chuyện tình của một nhân viên kế toán được đào tạo bài bản sẽ không bao giờ thành nếu bị những con số ngăn trở.

Tuy nhiên có một ý nghĩ vẫn làm Jerome lo lắng. Trong vòng một năm nữa anh có thể sẽ trở thành một người cha, tình yêu thương của anh với người cha quá cố trỗi dậy; anh nhận ra cái tình cảm đã thấm vào những tấm bưu ảnh. Anh cảm thấy ao ước được bảo vệ ký ức của mình và băn khoăn tự hỏi tình yêu thầm lặng ấy của anh có còn tồn tại không nếu Sally vì quá vô tâm mà cười ầm lên khi nghe được câu chuyện về cái chết của cha anh. Chắc chắn là nàng sẽ nghe được câu chuyện ấy nếu Jerome đưa nàng đến dùng bữa với bà cô anh. Nhiều lần anh cố gắng tự kể cho nàng nghe, bởi nàng hồn nhiên tha thiết muốn biết tất cả những gì liên quan đến anh.

- Chắc khi cha chết anh còn bé lắm nhỉ?

- Mới chín tuổi.

- Tội nghiệp anh.

- Anh đang ở trường. Họ báo tin cho anh.

- Anh có đau khổ lắm không?

- Anh không nhớ nữa.

- Anh chưa bao giờ kể với em chuyện xảy ra như thế nào.

- Rất đột ngột. Một tai nạn trên đường phố.

- Anh sẽ không bao giờ lái xe nhanh, phải không Jemmy? (Nàng đã bắt đầu gọi anh là Jemmy).

Đã quá trễ để áp dụng phương pháp thứ hai, phương pháp về chuyện săn heo rừng.

Họ sẽ tiến hành hôn lễ một cách êm ả tại một văn phòng đăng ký hôn nhân và hưởng tuần trăng mật tại Torquay. Anh tránh đưa nàng đến gặp bà cô anh cho đến một tuần trước đám cưới, nhưng khi đêm đến anh không thể không tự vấn rằng liệu sự e sợ của anh đối với kỷ niệm về người cha nhiều hơn hay sự an toàn cho tình yêu của anh nhiều hơn.

Thời khắc ấy đến quá nhanh. “Có phải đó là cha của Jemmy không hả cô?” - Sally hỏi, cầm tấm hình người đàn ông che dù lên.

- Đúng rồi, cháu cưng. Làm sao con biết?

- Ông có đôi mắt và lông mày giống Jemmy, phải không cô?

- Jerome có cho con mượn sách của ông không?

- Không.

- Cô sẽ cho con một bộ để mừng đám cưới. Ông ấy viết rất tinh tế về các chuyến du lịch.

Cuốn sách cô thích nhất là Những ngóc ngách và vết nứt. Lẽ ra ông sẽ có một tương lai rạng rỡ. Cái tai nạn khủng khiếp ấy thật quá tồi tệ.

- Sao hả cô?

Jerome ao ước được rời khỏi căn phòng và không trông thấy khuôn mặt đáng yêu ấy nhăn lại vì sự hào hứng không cưỡng lại được.

- Cô có rất nhiều thư độc giả của ông gửi đến sau khi con heo rơi trúng ông - cô của Jerome chưa bao giờ hấp tấp đến như vậy.

Và rồi phép lạ hiện ra. Sally không cười. Sally ngồi với đôi mắt mở to hoảng sợ trong khi bà cô anh kể chuyện, và cuối cùng nàng nói: “Khủng khiếp quá! Chuyện xảy ra như vậy thật không thể tin là có được trên đời này”.

Trái tim Jerome tưng bừng niềm vui, như thể nàng đã làm nguôi đi nỗi sợ của anh mãi mãi. Trên taxi đi về nhà, anh hôn nàng, say sưa hơn bao giờ hết và nàng đã đáp trả. Tựa như có những em bé ở trong đồng tử mắt màu xanh nhạt của nàng, những em bé chớp mắt lia lịa và biết khóc.

- Một ngày tuyệt vời - Jerome nói, và nàng siết chặt tay anh - Em đang nghĩ gì vậy, cưng?

- Em đang tự hỏi con heo tội nghiệp đó có sao không?

- Chắc chắn là họ sẽ xơi nó thôi! - Jerome đáp thật hạnh phúc và hôn cô bé đáng yêu của mình lần nữa.

Bích Giang dịch

1

“Một con lừa” đã đặt chân qua 80 nước trên thế giới

@ nguontinviet.com



“Một con lừa” đã đặt chân qua 80 nước trên thế giới

Trong những mấy ngày ngắn ngủi trở lại quê hương, Nguyễn Phương Mai - tiến sĩ ngành Giao tiếp văn hóa hiện đang giảng dạy tại trường đại học Amsterdam - Hà Lan, đã kịp cho ra mắt cuốn du ký Tôi là một con lừa, cuốn sách gây ấn tượng ngay bởi tên gọi, bởi ít ai dám tự nhận mình là “một con lừa”.

Cô gái gốc Hà Nội, sinh năm 1976 trẻ hơn rất nhiều so với tuổi, chắc bởi lẽ đối với cô, sự tự do trong cuộc sống là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất mà cô đã, đang và sẽ theo đuổi. Mỗi chuyến đi, mỗi chuyến hành trình là một trải nghiệm thú vị của một cô gái có dáng hình nhỏ bé ưa khám phá và thích mạo hiểm. Cô kể: “Mỗi chuyến đi với tôi lại học được một điều mới mẻ, càng đi tôi càng thấy mình thật ngu ngốc và nhỏ bé, sự hiểu biết của mình về thế giới này chẳng là gì cả”.

Tôi là một con lừa

Tôi là một con lừa là những khoảnh khắc đáng nhớ của hành trình dài 23 nước mà cô đã đặt chân đến. Cô gái “có dáng người nhỏ bé, nhưng có khối óc rất to” (nhận xét của một thầy giáo nói với mẹ Phương Mai khi bà sang dự lễ tốt nghiệp con gái), đã đi qua trên năm Châu lục: Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Úc, thực sự là một điều đáng để người khác khâm phục. Tất cả những cảnh đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, địa danh, con người… nơi cô đã đặt chân đến, đều được cô lưu lại bằng hình ảnh và những câu chuyện bằng chính trải nghiệm của bản thân. Phương Mai chia sẻ: “Mình là người Việt xa quê, luôn muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ, nên khi sử dụng từ ngữ mình luôn cẩn trọng đến từng chi tiết, để khi ai đọc cuốn sách này, đều cảm thấy, đây là một cuốn sách hữu ích cho những ai muốn phiêu lưu giống mình”.

Hành trình của Phương Mai chia làm hai quá trình: Thứ nhất là theo lộ trình di cư của loài người và thứ hai theo con đường Hồi giáo. Phương Mai chia sẻ, cô vẫn đang lần theo dấu chân của lịch sử, để tìm đến những địa danh mà các nhà du hành đã từng đi, để có những trải nghiệm nhằm bồi dưỡng những kiến thức còn để hổng. Trên những chuyến hành trinh đó, dù gặp không ít những hiểm nguy, nhưng chưa bao giờ Phương Mai muốn từ bỏ và buông xuôi, mà ngược lại càng có những khó khăn , thử thách, càng thôi thúc cô kiếm tìm.

Tôi là một con lừa

Những chuyến hành trình của Phương Mai thường là những ý nghĩ chợt đến, mà một kẻ du hành lang thang, chỉ làm việc và đi, đi và đi để khám phá miền đất mới có khi nơi đó là nơi nguy hiểm nhất. Cô kể, có khi đang đi mà hết tiền, không ngủ khách sạn, cô sẵn sàng ngủ dưới gầm cầu, hôm sau lại quay trở về làm việc kiếm tiền và lại vác ba lô đi.

Tự nhận mình là một con lừa (hiếm ai tự ví mình với lừa) và với lối nói chuyện rất cá tính, cô đã lôi cuốn hàng chục độc giả đến dự buổi ra mắt cuốn sách của cô. Cô viết trong trang đầu của cuốn sách “Cám ơn mẹ, vì đã buông tay cho con được tự do”, bởi với cô, mẹ cô là một bà mẹ tâm lý nhất trên đời.

Được gặp và trao đổi với Phương Mai, mới thấy sự tự do trong cuộc sống có sức mạnh như thế nào.

Thiên Lam